Ngày nay, việc chọn một chiếc ô tô chạy điện đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, xe có thể đi được bao xa sau mỗi lần sạc đầy pin lại là một trở ngại lớn trước quyết định mua xe. Vậy phạm vi hoạt động của xe ước tính dựa trên những tiêu chuẩn đo lường nào, hãy cùng InfoK tìm hiểu trong bài viết này.
Có bốn bài kiểm tra phạm vi hoạt động phổ biến được sử dụng trên toàn thế giới bao gồm:
- EPA: United States Enviromental Protection Agency (Cơ quan bảo vệ môi trường) của Mỹ.
- WLTP: Wordwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure (Quy trình kiểm tra xe hạng nhẹ hài hòa toàn cầu)
- NEDC: New European Driving Cycle (Chu trình lái xe châu Âu mới)
- CLTC: China Light Duty Vehicle Test Cycle (Chu kỳ kiểm tra xe hạng nhẹ Trung Quốc).
Trong tất cả các bài kiểm tra này, NEDC và CLTC thường đưa ra những kết quả đánh giá cao hơn thực tế, tiêu chuẩn EPA được cho là mang lại thông tin phạm vi hoạt động ước tính chính xác nhất, do các chu trình thử nghiệm của EPA mô phỏng tốt hơn việc sử dụng xe điện trong thực tế. Trong khi WLTP được các nhà sản xuất ô tô châu Âu sử dụng và có độ chính xác 80-90% khi so sánh với các bài kiểm tra trên đường.
Tiêu chuẩn ước tính phạm vi hoạt động của xe điện
Để tìm hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn đánh giá phạm hoạt động EPA, WLTP, NEDC và CLTC, hãy tiếp tục đọc bài viết này.
Tiêu chuẩn EPA là gì?
Tiêu chuẩn EPA là viết tắt của United States Enviromental Protection Agency (Cơ quan bảo vệ môi trường) của Mỹ. Đây là bài đánh giá cho xe điện được gọi là Quy trình thử nghiệm đường cao tốc/thành phố nhiều chu kỳ.
Theo đó, quy trình kiểm tra bắt đầu bằng việc sạc đầy pin cho xe điện và để xe chờ đỗ qua đêm. Sáng hôm sau, EPA đưa chiếc xe vào chế độ thử nghiệm và bắt đầu quá trình ước tính phạm vi hoạt động. Xe điện thử nghiệm sẽ thực hiện nhiều vòng lái xe trong môi trường đô thị cũng như đường cao tốc cho đến khi cạn hết pin và xe không thể chạy được nữa.
Sau khi hoàn thành chu trình thử nghiệm, đơn vị đánh giá EPA sẽ nhân các số phạm vi sơ bộ với 0,7 để đưa ra quãng đường cuối cùng cho mẫu xe mà họ đã thử nghiệm. Đây là cách EPA đánh giá EV về mức tiết kiệm nhiên liệu và quãng đường đi được/hoặc MPGe.
Tiêu chuẩn WLTP là gì?
WLTP, viết tắt của Wordwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure (Quy trình kiểm tra xe hạng nhẹ hài hòa toàn cầu). Đây là một quy trình kiểm tra mới với các phương tiện sau vụ bê bối Dieselgate của Volkswagen vào năm 2015.
Tiền thân của WLTP trước đây là NEDC (Chu kỳ Lái xe Châu Âu Mới), được phát triển vào những năm 70 và NEDC đã lỗi thời so với các tiêu chuẩn khác. Các phép đo mức tiêu thụ và phạm vi của NEDC cũng không phản ánh đúng thực tế phương tiện hiện nay.
Với quy trình kiểm tra mới, WLTP đã cho kết quả thực chất hơn, nó mang lại mức tiêu thụ và phạm vi hoạt động cao hơn khoảng 20% so với tiêu chuẩn NEDC cũ. Lý giải cho sự chênh lệch trên, các chuyên gia cho biết điều kiện kiểm tra WLTP thực tế hơn, sử dụng chu kỳ lái xe dài hơn, tính đến các yếu tố trong thế giới thực như điều hòa không khí, thiết bị điện tử, giải trí trong xe, …) và đo lường các số liệu tiêu thụ từ dải tốc độ rộng hơn, từ 47-132 km/h.
Ngoài ra, xe điện bị ảnh hưởng đáng kể bởi nhiệt độ môi trường, dẫn đến quãng đường phạm vi hoạt động thấp hơn đáng kể. Để khắc phục điều này, thử nghiệm WLTP kiểm soát chặt chẽ bằng cách đưa chu kỳ lái xe trong thời tiết lạnh vào bài kiểm tra để đánh giá thực tế và cho con số chính xác nhất.
Tiêu chuẩn CLTC là gì?
Trước CLTC, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trước đây thường sử dụng tiêu chuẩn NEDC để đánh giá phạm vi hoạt động của xe điện trong nước. Nhưng gần đây, Trung Quốc đã dần dần thực hiện một quy trình kiểm tra phạm vi EV/tiết kiệm nhiên liệu mới tại thị trường nội địa của mình, đó là CLTC (China Light Duty Vehicle Test Cycle - Chu kỳ kiểm tra xe hạng nhẹ Trung Quốc). Tiêu chuẩn mới này hứa hẹn sẽ chính xác hơn tiêu chuẩn cũ của NEDC.
Tiêu chuẩn CLTC của Trung Quốc đưa xe thử nghiệm qua ba giai đoạn là lái xe chậm, trung bình và nhanh. Quá trình này kéo dài trong 30 phút với tổng cộng 14,5 km di chuyển.
CLTC thường được coi là WLTP tại Trung Quốc, tuy nhiên có một số điểm khác biệt. Nổi bật trong đó là thời gian chạy không tải của xe khi thử mức tiêu thụ; thời gian trong các bài kiểm tra CLTC dài gấp hai lần so với NEDC. Chu trình thử nghiệm CLTC cũng bao gồm nhiều điểm dừng hơn so với WLTP và giới hạn tốc độ thử nghiệm CLTC tối đa là 114 km/h, thấp hơn cả NEDC và WLTP.
Sự khác nhau giữa các tiêu chuẩn là gì?
EPA so với WLTP
Như đã nhắc đến ở phần trên, xếp hạng dựa trên bài thử nghiệm EPA về xe điện được đánh giá giá cao nhất, tuy nhiên sẽ mang lại phạm vi hoạt động thấp hơn khoảng 11% so với số liệu cung cấp từ WLTP.
Tuy nhiên, WLTP là tiêu chuẩn đáng tin cậy thứ hai để xác định phạm vi thực tế cuẩ một chiếc xe điện, sau EPA. Nếu bạn muốn tham khảo phạm vi hoạt động thực tế của chiếc xe điện có dự định mua, hãy tìm số liệu EPA và WLTP. Phạm vi ước tính bởi NEDC và CLTC thường không sát với các bài kiểm tra lái xe thực tế.
CLTC so với WLTP
Theo các số liệu thực tế, ước tính phạm vi hoạt động theo tiêu chuẩn CTLC đều cao hơn so với WLTP và NEDC. Lý giải cho điều này, nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ muốn tạo ra một tiêu chuẩn thử nghiệm mới có tính đến các điều kiện về đường xá, điều kiện giao thông và thói quen lái xe của Trung Quốc. Do đó, tiêu chuẩn kiểm tra phạm vi hoạt động của xe điện mang tính lạc quan hơn.
Hầu hết các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng CLTC để hiển thị dữ liệu phạm vi hoạt động khi quảng bá. Ngay cả Tesla cũng cung cấp số liệu theo tiêu chuẩn này, cho thấy CLTC đang dần trở thành tiêu chuẩn ước tính phạm vi phổ biến tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Tạm kết
Với những thông tin trên, có thể thấy các bài đánh giá theo tiêu chuẩn EPA và WLTP gần với số liệu phạm vi thực tế có thể di chuyển với xe điện nhất, trong khi NEDC cũ và chu trình kiểm tra CLTC của Trung Quốc mang đến số liệu “lạc quan” hơn về quãng đường, bạn đọc cần xem xét kỹ hơn những thông số này trước khi quyết định lựa chọn mẫu xe điện phù hợp với nhu cầu sử dụng.
TH (trangcongnghe.com.vn)