Phanh tái sinh được coi là đột phá mới trong ngành xe điện, khi nó đóng vai trò thu hồi năng lượng dư thừa trong quá trình di chuyển, biến chúng thành điện năng nạp lại cho bộ pin trên xe. Nhưng thực tế, hệ thống phanh tái sinh có thể phục hồi bao nhiêu năng lượng cho xe, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Phanh tái tạo hay phanh tái sinh tên tiếng anh Regenerative braking systems (RBS), hệ thống RBS thường được tìm thấy trên những chiếc xe thuần điện hoặc hybrid. Động cơ trên xe điện hoặc trên xe hybrid hoạt động theo 2 hướng, một là chuyển điện năng thành động năng giúp bánh xe chuyển động. Hướng theo chiều ngược lại để sạc cho pin mỗi khi người lái nhấc chân khỏi bàn đạp ga hay nhấn phanh.
Nhưng bao nhiêu năng lượng thực sự được phục hồi và công nghệ này tác động như thế nào đến hiệu suất tổng thể? ADAC của Đức đã thử nghiệm thực tế 3 mẫu xe điện để đưa đến số liệu cụ thể.
Lượng năng lượng mà xe điện được bổ sung lại thông qua quá trình phục hồi phụ thuộc vào một số điều quan trọng. Những chiếc xe có kích thước và trọng lượng lớn có thể tiêu tốn nhiều điện năng để tăng tốc, di chuyển nhưng động lượng lớn của chúng cũng giúp phục hồi nhiều năng lượng hơn khi phanh. Tương tự, xe có động cơ điện với công suất cao hơn sẽ chuyển đổi năng lượng phanh thành điện sạc lại cho pin tốt hơn. Ngoài ra, xe chạy trong thành phố với quá trình đạp phanh, tăng tốc liên tục cũng là nguồn bổ sung đáng kể giúp phục hồi thêm năng lượng. Ở chiều ngươc lại, quá trình phục hồi kém hiệu quả hơn khi xe chạy trên đường cao tốc bởi tốc độ ổn định và ít khi cần đạp phanh.
Để làm sáng tỏ những yếu tố này, ADAC của Đức đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ, họ đã thử nghiệm ba chiếc xe điện - Dacia Spring gọn nhẹ, BMW i7 sang trọng và Tesla Model Y Long Range bán chạy nhất, trên tuyến đường lên dốc và xuống dốc. Không có gì ngạc nhiên khi chiếc BMW i7 cỡ lớn đứng đầu về khả năng phục hồi năng lượng khi xuống dốc. Tuy nhiên, chiếc Dacia Spring nhẹ hơn lại tỏ ra hiệu quả nhất, khi tốn ít năng lượng trong quá trình leo dốc. Điều này chứng tỏ việc xe điện có trọng lượng lớn có thể phục hồi nhiều năng lượng nhưng ban đầu chúng cũng tốn nhiều điện năng để di chuyển.
Dacia Spring | Tesla Model Y | BMW i7 | |
---|---|---|---|
Leo dốc | 26.35 kWh/100 km | 48.74 kWh/100 km | 59.34 kWh/100 km |
Xuống dốc | -7.05 kWh/100 km | -17 kWh/100 km | -26.27 kWh/100 km |
Năng lượng phục hồi | khoảng 35% | khoảng 40% | khoảng 50% |
Năng lượng cho 100km (WLTP) | 14.5 kWh/100 km | 16.9 kWh/100 km | 18.5 kWh/100 km |
Dữ liệu từ Green NCAP tiết lộ rằng, trung bình, một chiếc xe điện có thể thu lại khoảng 22% năng lượng cho xe thông qua quá trình phục hồi với hệ thống phanh tái tạo. Những chiếc xe điện nổi bật như Nio ET7 và Hyundai Ioniq 6 có con số ấn tượng lần lượt là 31% và 29%.
Một số lưu ý để bạn có thể tận dụng tối đa hệ thống phanh tái sinh như đảm bảo làm nóng pin trước khi lái xe để đạt hiệu quả tốt nhất. Nhiều xe điện cho phép điều chỉnh hiệu suất tái tạo, hãy thử thay đổi tùy theo điều kiện lái xe của bạn để tối đa hóa khả năng thu hồi năng lượng được tốt nhất.
TH (trangcongnghe.com.vn)