CHUYÊN TRANG EV VIỆT NAM - NGUỒN NĂNG LƯỢNG XANH

NCAP là gì?

NCAP là chương trình thử nghiệm sử dụng một loạt các bài đánh giá hiệu suất an toàn, nhằm xem xét các mẫu ô tô mới có đủ khả năng chống lại các nguy hiểm từ bên ngoài cũng như bảo vệ an toàn cho người ngồi bên trong xe hay không. Vậy chi tiết chương trình đánh giá xe mới diễn ra thế nào, hãy cùng InfoK tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Trong khi các quy định và tiêu chuẩn bắt buộc các yêu cầu tối thiểu thì NCAP lại quan tâm đến việc đạt được những kết quả bảo vệ an toàn tốt nhất có thể của phương tiện.

NCAP là gì?

NCAP là viết tắt của cụm từ New Car Assessment Programs (NCAP) hay dịch sang tiếng Việt là Chương trình đánh giá xe mới.

Khi NCAP lần đầu tiên được giới thiệu tại Mỹ vào năm 1979, việc thử nghiệm còn hạn chế. Các phương tiện chỉ đơn giản được lái thẳng vào tường để đo tác động lên một hình nộm thử nghiệm va chạm, mặc dù còn thô sơ nhưng các thử nghiệm này đã thành công: số ca tử vong do xe cộ trên 100 triệu dặm di chuyển đã giảm khoảng 75% kể từ những năm 1970.

Dựa trên thành công của các cuộc thử nghiệm, vào năm 1997, Euro NCAP đã ra đời để giải quyết những lỗ hổng trong thử nghiệm đó. Tại khu vực Đông Nam Á, tổ chức này có tên gọi ASEAN NCAP, trụ sở tại Malaysia.

Euro NCAP hoạt động như thế nào?

Euro NCAP hay còn gọi là European New Car Assessment Programme – Chương trình đánh giá tính năng an toàn xe hơi Châu Âu được thành lập năm 1997 bởi Phòng thí nghiệm nghiên cứu giao thông của Bộ giao thông Anh Quốc.

Chương trình Euro NCAP được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu cũng như một số chính phủ Châu Âu, các nhà sản xuất ô tô và các tập đoàn bảo hiểm. Việc thử nghiệm Euro NCAP không bắt buộc, tuy nhiên với các mẫu xe được Euro NCAP lựa chọn độc lập hoặc được nhà sản xuất tài trợ dựa trên mức độ phù hợp của chúng với các phân khúc thị trường.

Trong mỗi tình huống va chạm mà NCAP Hoa Kỳ kiểm tra như va chạm phía trước, va chạm bên hông và lật xe chỉ đo lường các tác động đối với người lái xe. Để cải tiến, bài đánh giá của Euro NCAP có bốn hạng mục, mỗi hạng mục nhận được cấp độ kiểm tra riêng bao gồm: Bảo vệ người lớn (người lái và hành khách), Bảo vệ trẻ em, Bảo vệ người tham gia giao thông dễ bị tổn thương (người đi bộ và người đi xe đạp), Hỗ trợ an toàn.

VinFast VF8 đạt 4/5 sao trong bài thử nghiệm Euro NCAP

Khi xe hoàn tất bài đánh giá, chúng sẽ nhận được xếp hạng sao dựa trên hiệu suất của từng bài, sao càng cao thì độ an toàn càng lớn, tiêu chuẩn cao nhất hiện tại là năm sao: Năm sao là hoàn thành xuất sắc, bốn sao là tốt và ba sao là trung bình, trong khi hai sao cho biết xe có các tính năng bảo vệ khỏi va chạm nhưng thiếu khả năng thực tế, một sao cho biết tính năng an toàn ở mức thấp, còn 0 sao cho thấy xe thiếu công nghệ an toàn hiện đại.

Euro NCAP đánh giá những gì?

Để đưa ra được kết quả cuối cùng, tổ chức này sẽ thực hiện các bài thử nghiệm với nhiều đánh giá khác nhau và phân tích trên nhiều yếu tố được tư vấn bởi các chuyên gia về kỹ thuật và sức khỏe.

Va chạm với vật thể di động

Chiếc xe thử nghiệm được đẩy đi với tốc độ 50 km/h va chạm với thanh chắn có thể biến dạng, vật thể va chạm có trọng lượng 1,4 tấn. Cũng có thể sử dụng một chiếc xe khác cũng đang di chuyển với tốc độ 50 km/h.

Va chạm với vật thể cứng

Chiếc xe thử nghiệm được lái vào một hàng rào cứng ở tốc độ 64 km/h. Một hình nộm phụ nữ ngồi ở vị trí lái xe và trẻ nhỏ ở ghế sau. Mục đích là để kiểm tra hệ thống an toàn bị động của ôtô, ví dụ như túi khí hay dây đai an toàn.

Va chạm với thân xe từ vật thể di động

Một thanh chắn có thể biến dạng được gắn trên xe đẩy và được đẩy đi với tốc độ 50 km/h vào thành bên của xe thử nghiệm đứng yên ở một góc vuông. Trong thực tế điều này giống với việc xe bị va chạm bên hông bởi một xe khác.

Va chạm với cột đứng

Xe được đẩy sang ngang với tốc độ 29 km/h va vào một cột cứng, hẹp ở một góc nhỏ so với phương vuông góc để mô phỏng một chiếc xe đi ngang vào các vật thể bên đường như cây hoặc cột điện.

Tác động của hệ thống an toàn vào hành khách bên trong

Xe được đặt cố định nhưng được đẩy đi và phanh gấp để xác định giao động của hành khách. Nếu xe được trang bị túi khí trung tâm và rèm thì người lái hoặc hành khách phía trước sẽ được giảm tác động lên người.

Thử nghiệm chấn thương cổ: ghế xe được đẩy về phía trước nhanh chóng ở cả hai giải tốc độ 16 và 24 km/h để kiểm tra ghế và khả năng bảo vệ đầu, cổ trong một tác động từ va chạm phía sau.

Thử nghiệm va chạm tác động bên ngoài (người đi bộ hoặc xe đạp)

Bài thử nghiệm sẽ xem xét tác động của xe lên người bên ngoài theo từng vị trí gồm đầu, chân, đùi, ống chân, người đi bộ, đi xe đạp…

Ảnh hưởng của NCAP như thế nào?

Mặc dù xếp hạng của chương trình NCAP không thể yêu cầu nhà sản xuất cải thiện các tính năng đã có, nhưng báo cáo đánh giá của Euro NCAP được đăng tải công khai cho người tiêu dùng tìm hiểu, đây từ lâu đã trở thành một yếu tố chính trong quyết định mua hàng của khách hàng.

Euro NCAP thường xuyên nâng cao quy trình đánh giá và bổ sung các yêu cầu mới vào chương trình thử nghiệm của mình. Trong hạng mục hỗ trợ an toàn, Euro NCAP đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng, nhận dạng biển báo giao thông, tính năng hỗ trợ giữ làn đường và phanh khẩn cấp tự động vào năm 2014, đồng thời bổ sung tính năng giám sát trạng thái người lái vào năm 2020.

Cải tiến đảm bảo an toàn

Các yêu cầu ngày càng tăng của Euro NCAP tạo ra thách thức cho các nhà sản xuất cải thiện nhằm đạt được 5 sao trong bài đánh giá phương tiện của mình. Do đó, việc phát triển một nền tảng linh hoạt, có thể mở rộng cho phép bổ sung các tính năng an toàn mới khi yêu cầu thay đổi là việc cần ưu tiên.

Khi mức độ tự động hóa phát triển theo hướng tự lái hoàn toàn đến mức người lái không cần quan tâm đến đường đi nữa, thì các yêu cầu của Euro NCAP chắc chắn sẽ còn nghiêm ngặt hơn nữa. Theo Euro NCAP, chương trình này đã phát triển các bài đánh giá cụ thể cho những phương tiện có khả năng lái tự động L2, sau đó sẽ phát triển để bao gồm lái xe rảnh tay (L2+) vào năm 2024 và tự lái hoàn toàn (L3) vào năm 2026.


TH (trangcongnghe.com.vn)

Hình ảnh Sơn Nguyễn

Sơn Nguyễn

Content Creator

Xem gì ?

Xem nhiều
Bạn quan tâm